Trẻ em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn đã là thiệt thòi, nhưng với trẻ em mồ côi, khuyết tật còn bất hạnh hơn khi các em phải gánh chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần.
Đoàn khối các cơ quan tỉnh tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ảnh: Y.N
Kết thúc chuyến làm công tác xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng tôi vẫn cứ ám ảnh trước đôi mắt trong veo và nụ cười hiền lành của cậu bé mồ côi, khuyết tật - Vỹ Luân. Hình ảnh Vỹ Luân ngồi tựa cửa sổ nhìn các bạn nhỏ trong trung tâm chơi đùa với ánh mắt thèm thuồng, thỉnh thoàng cậu bé cất tiếng cười hòa theo những trò vui khiến ai nhìn thấy cũng nhói lòng. Đã 4 - 5 tuổi, nhưng Vỹ Luân vẫn chưa nói được. Tuy nhiên, em có thể hiểu được những gì người khác nói, hai chân bị dị tật nên Vỹ Luân phải di chuyển bằng đầu gối. Có lẽ đây là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của Vỹ Luân bởi cậu bé chưa ý thức được hết những nỗi bất hạnh mà mình đang gánh chịu. Liệu sau này lớn lên, nụ cười ấy có còn hồn nhiên, rạng rỡ khi em hiểu ra rằng mình là đứa trẻ bị ba mẹ bỏ rơi kèm theo đó còn là nỗi mặc cảm với hình hài không nguyên vẹn. Thiếu thốn tình thương là một lẽ, nhưng Vỹ Luân cũng như 31 đứa trẻ tại trung tâm này luôn canh cánh trong lòng một nỗi đau và mịt mờ với những câu hỏi: Cha mình đâu? Mẹ mình đâu? Sao họ lại bỏ rơi mình?...
Còn gì đau đớn hơn khi một người sinh ra không hề biết cội nguồn của mình, nỗi đau ấy đôi khi sẽ theo họ đến hết cuộc đời. Tôi có một người bạn, anh là đứa trẻ được một gia đình giàu có nhận làm con nuôi. Dù được mọi người yêu thương và giờ đây đã trưởng thành, có sự nghiệp ổn định, nhưng suốt 30 năm qua, trong anh vẫn khắc khoải một nỗi niềm về những người ruột thịt, kể cả trong giấc mơ, anh cũng muốn đi tìm kiếm cha mẹ ruột của mình. Và cũng chính nỗi đau ấy đã tạo cho anh một tính cách lạnh lùng, bất cần. Nhưng có lẽ người bạn của tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với Vỹ Luân và những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật khác. Rồi tương lai các em sẽ đi về đâu, đến tuổi trưởng thành các em sẽ làm gì để sống? Ai sẽ thắp lửa giúp các em tìm lại được niềm tin trong cuộc sống khi mà tạo hóa bất công đã không cho các em một hình hài vẹn nguyên? Để giải đáp câu hỏi ấy cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Sự giúp đỡ không chỉ về cơm ăn, áo mặc, mà cần trợ giúp cho các em nghị lực, ý thức vươn lên trong cuộc sống. Với trẻ em khuyết tật nên đào tạo các nghề vót tăm, may mặc, đan đát… kể cả bao tiêu sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho các em vươn lên làm chủ cuộc sống của mình. Bà Thái Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết: “Kinh phí Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ được một phần, mong rằng thời gian tới, cộng đồng xã hội tiếp tục chung tay chăm lo cho các em hòa nhập cộng đồng, có niềm tin vào cuộc sống”.
Toàn tỉnh hiện có gần 6.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị bỏ rơi khi chưa rụng rốn. Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đề cập khá nhiều trường hợp các cô gái trẻ sau khi sinh xong đã bỏ rơi con mình hoặc tìm cách giết đi. Gần đây, những bạn trẻ thiện nguyện tại Hà Tĩnh đã chia sẻ hình ảnh họ đến thắp nhang tại một ngọn đồi ở TP. Huế cho những sinh linh bé bỏng chưa kịp cất tiếng chào đời đã bị ba mẹ chúng nhẫn tâm vứt bỏ. Những điều đó cảnh tỉnh những người trẻ nên sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội hơn nữa. Đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cho xã hội, trong đó vai trò chính là gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn thể trong công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các bạn trẻ.
Tuấn Anh