Tụi trẻ ở mái ấm tình thương Kỳ Quang (Gò Vấp, TP HCM) bị bỏ rơi trong khoảng thời gian 23h-3h sáng, không ai biết các em đến từ đâu.
223 trẻ được hai cơ sở của chùa cưu mang đều bị bỏ rơi lúc nửa đêm, rạng sáng. Có bé được đặt trước cổng chùa, khi ở chánh điện, nhà xe, thậm chí là cửa phòng sư trụ trì. Có bé bị bỏ lại trong tình trạng còn nguyên cuống rốn; bé mới sinh vài ngày, mặt mày tím ngắt; bé vài tuổi. Trong đó có 115 trẻ sinh ra với cơ thể không lành lặn.
Mái ấm tình thương nằm khuất sau khuôn viên chùa. Trước cổng là những bức tượng Phật, chánh điện. Bên hông là lối vào nơi ở của trẻ. Tại đây có ba lầu, chia ra thành nhiều khu dựa theo độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe...
Lầu một có đến 7, 8 phòng. Phòng trẻ 1-3 tuổi có rào chắn ngay cửa để ngăn các bé chạy ra ngoài. Phòng cho các em 3-5 tuổi thiết kế rộng rãi, đủ cho 50 bé sinh hoạt, ngủ nghỉ, chơi đùa. Tiếp đến là phòng trẻ sơ sinh; phòng khuyết tật. Phía ngoài cùng là khu dành cho trẻ bị thần kinh, bại não, chậm phát triển...
Lầu hai có các phòng riêng biệt. Từ lớp một, các bé trai - gái được chia ra ở phòng riêng. Mỗi phòng có khoảng 5-10 giường tầng. Lầu ba là nơi ở của lứa tuổi cấp hai, cấp ba. Bên cạnh đó là hai sảnh lớn, được trang trí thành khu trò chơi, nhà banh và sân bóng đá mini.
Những đứa trẻ mồ côi hạnh phúc
Chân Nguyên - hơn hai tuổi - bị bỏ lại trước chánh điện lúc mới lọt lòng, chưa đầy 1,8 kg, còn nguyên cuống rốn. Mặt cậu bé tím ngắt, hơi thở yếu ớt. Tiếng khóc như rên rỉ, không có lực. Các bảo mẫu cắt cuống rốn và tắm rửa cho bé. Bác sĩ nói bé có thể rời "cõi tạm" ngay trong đêm.
Không ai nghĩ Nguyên có thể lớn lên khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Ngược lại với mọi phán đoán, Chân Nguyên dần khỏe lại, trắng trẻo và bụ bẫm. Hai tuổi, em hoạt bát, thông minh, được mọi người phong là "hotboy của chùa".
Chân Nguyên và các em nhỏ tại đây rất thích chơi trò chơi. Sư trụ trì Thích Thiện Chiếu cột chiếc áo cà sa chặt sau lưng, kéo vạt phía trước rộng ra để tạo thành con thuyền lớn.
10 đứa trẻ ngồi lên "thuyền" và được kéo đi. Suốt chặng đường dài, đám trẻ cười khanh khách. Chân Nguyên cũng phụ kéo các em. Theo sau đoàn "thuyền cà sa" là tiếng vỗ tay lịch bịch, ú ớ không rõ lời và tiếng bánh xe lăn gấp gáp xen lẫn vui thích của Thi Tuyển - hơn 30 tuổi.
Chân Nguyên (áo đỏ) phụ thầy kéo các em.
Theo cô Thụy Khuê - chuyên phát thẻ ra vào cho khách tham quan mái ấm tình thương, cảnh này diễn ra nhiều lần trong ngày. Tụi trẻ thích và rạng rỡ lắm. Hình ảnh sống động ấy để lại nhiều cảm xúc cho những người chứng kiến.
Tuy đám trẻ không may mắn bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng tại đây, chúng có một gia đình lớn với nhiều anh chị em.
Bên phòng trẻ 2-3 tuổi, chị em sinh đôi Trinh Nương - Xuân Nương háo hức chờ đến lượt chơi "thuyền cà sa". Đôi mắt các em lấp lánh, tay cầm chai sữa, tay bám thành giường nôi. Hai cô bé bị bỏ lại trong sân chùa cách đây hai năm. Như cây cỏ vươn lên sau mưa, các em ngoan, ăn giỏi, thích cười đùa.
Chị em Trinh Nương - Xuân Nương.
Trinh Nương - Xuân Nương vẫn may mắn hơn những cặp chị em khác. Chúng có cơ hội trưởng thành cùng nhau, không bị chia cắt mỗi người một nơi.
Tại đây có 5 cặp sinh đôi như thế. Cặp lớn nhất là Sơn - Thủy, vừa tròn 18 tuổi, đang học lớp 12. Các em bị bỏ lại bên bãi rác hông chùa sau cơn bão lớn năm Canh Thìn (2000). Khi ấy, hai thân thể đỏ hỏn đang co ro vì lạnh.
Đến nay, Sơn - Thủy đã là anh lớn, biết chăm sóc các em. Cặp sinh đôi muốn hoàn thành bậc đại học, kiếm nhiều tiền để cùng các sư thầy và bảo mẫu chăm lo những mảnh đời bất hạnh. Nhưng tại đây, người lớn không muốn đặt gánh nặng lên vai lũ trẻ mà muốn chúng tự do bước đi con đường riêng.
"Khi khôn lớn thành người, các con có thể chọn rời đi, có cuộc sống gia đình riêng. Nhưng, chỉ mong các con nhớ, nơi đây là nhà. Nếu mệt mỏi, đau khổ hay không thể chịu đựng nổi cuộc sống ngoài kia, hãy trở về bất cứ khi nào. Cổng chùa Kỳ Quang luôn chờ các con", thầy Chiếu nói.
Hàng trăm đứa trẻ đã lớn lên và xây dựng được sự nghiệp cho riêng mình. Chúng không quên nguồn cội, mái ấm giản đơn nhưng thân thương. Nơi ấy dang tay đón chúng khi bị bỏ rơi, cho các em hơi ấm gia đình và hành trang đẹp bước vào đời.
Những 'thiên thần' không lành lặn
Khác hẳn với nụ cười hồn nhiên đúng lứa tuổi của các phòng trẻ lành lặn. Khu trẻ thần kinh, khuyết tật, bại não... trông buồn bã và ồn ào hơn. Các bé không thể kiểm soát hành vi, thích la hét, cười sằng sặc. Có em mặt ngơ ngác, ánh mắt vô định. Không ít trường hợp đập phá bàn ghế, tự đập đầu vào tường hay xé quần áo.
Chị Kim Yến (46 tuổi) làm bảo mẫu tình nguyện tại đây năm thứ 17 kể, hôm nay Mướp đập đầu vào ghế hai lần, đánh tay vào tường một lần, xé quần áo hai lần. Mấy hôm trước chiếc giường bị em đập tan tành. Các cô phải ngồi canh Mướp 24/24, tránh cho em tự làm mình bị thương.
Mướp 14 tuổi nhưng thân hình chỉ như đứa trẻ 7, 8 tuổi. Mỗi khi lên cơn, Mướp hung hăng, dữ tợn, la hét không ngừng. Chỉ khi ngủ, khuôn mặt ấy mới hiện vẻ ngây thơ. Nhưng, thời gian Mướp thức nhiều hơn ngủ.
10 bảo mẫu được phân công chăm sóc hơn 40 trẻ tại khu thần kinh. Các cô thay phiên nhau tắm rửa, vệ sinh và cho các bé ăn. Họ hầu như không có giấc ngủ trọn vẹn vì lũ trẻ lên cơn bất kể đêm ngày.
Công việc này đòi hỏi mọi người phải kiên nhẫn, có sức chịu đựng và bao dung. Chăm một đứa trẻ lành lặn vất vả một thì nuôi trẻ thần kinh, tăng động khổ 10. Chị Yến nói, khi mới vào chùa làm công quả, chị bị sốc khi bị đám trẻ hất bát cơm vào mặt khi lên cơn, đập phá khắp nơi.
Cả khu thần kinh chỉ có 3 em biết nói, số còn lại toàn ú ớ, la hét, cười bất định. Không ai hiểu các em nói gì, cần gì. Thời gian qua đi, không chỉ chị Yến, tất cả bảo mẫu đều dần chấp nhận và làm quen với tình trạng này. Họ không nản, không bỏ cuộc và tìm mọi cách khắc phục triệu chứng của các em. Tuy nhiên, cũng có giây phút hiếm hoi các bé trở lại bình thường, nụ cười phảng phất nét hồn nhiên.
"Phải thật lòng thương trẻ, biết cảm thông và có duyên nợ mới có thể gắn bó lâu dài với công việc này", chị Yến nói.
Tại căn nhà lớn của 223 đứa trẻ, dù lành lặn hay khuyết tật, các em đều được đặt những cái tên rất đẹp. Từ Ngọc Phương, Trà My, Cẩm Thu, Mỹ Bình, Phượng Nga, Hồng Minh đến Tuấn Phúc, Lộc Vinh, Phát Đạt, Thanh Phong... Bị bỏ rơi, cuộc đời các em đã đủ bất hạnh. Những cái tên đẹp là hy vọng tương lai tụi trẻ sẽ may mắn và hạnh phúc.
Trần Ngọc Kiều Mỹ là cái tên đẹp tại đây. Bé tròn ba tháng tuổi, bị khuyết tật hai tay. Kiều Mỹ được đặt trước phòng sư trụ trì khi mới hai ngày tuổi. Đôi mắt lấp lánh, khuôn mặt sáng và nụ cười tươi khiến mọi người "tan chảy" khi lần đầu gặp gỡ.
Từ ngày đến mái ấm, Kiều Mỹ hầu như không khóc, ít quấy đêm, rất thích hóng khi có người trò chuyện. Chị Cúc - phụ trách phòng trẻ sơ sinh gần 10 năm cho biết, các cô hay gọi Kiều Mỹ là "thiên thần". Dù thân thể không lành lặn, bù lại con ngoan ngoãn, bụ bẫm và hay cười.
"Con bé đáng yêu lắm. Lúc não cũng cười", chị Cúc nói.
Mỹ Bình là một trong những trường hợp được nhiều người quan tâm. Em bị não úng thủy bẩm sinh. 11 tuổi, Bình chỉ nằm một chỗ, không thể nhận biết mọi thứ xung quanh. Khâu vệ sinh, ăn uống... đều có người giúp đỡ. Cuộc sống của Bình diễn ra lặng lẽ ngày này qua tháng nọ. Bác sĩ bảo em có thể gắng gượng đến hôm nay là kỳ tích.
Đa phần các trường hợp bị não úng thủy đều nằm một chỗ từ khi chào đời cho đến lúc mất. Năm ngoái, mái ấm phải tiễn đưa một thành viên có cùng căn bệnh này - sau 22 năm liệt giường. Thanh Phong, Bình hay Lan... tại phòng trẻ khuyết tật có thể phải chịu chung số phận. Các sư và bảo mẫu không thể thay đổi kết quả, điều họ có thể làm là chăm sóc bằng tất cả tình yêu khi các em còn có mặt trên đời.
Nỗi lo chất chồng khi cưu mang 223 trẻ
Cơ duyên nhận nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật của sư Thích Thiện Chiếu bắt đầu từ năm 1994. Khi ấy, 4-5 trẻ khiếm thị lang thang mò đường kiếm miếng ăn. Vừa đói, vừa khát, chúng lả đi trước cổng chùa.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở nhiều nơi khác nhau, không biết nguồn cội. Chúng nương tựa nhau ở gầm cầu, bãi rác và lay lắt sống qua ngày nhờ thức ăn rơi vãi. Khi được hỏi có đồng ý về chùa sống hay không, chúng bảo có, nhưng muốn rủ theo mấy bạn nữa.
Gần 10 đứa trẻ mù dắt díu nhau đến. Dần dần, cứ cách vài ngày, nửa tháng, lại có một đứa trẻ bị bỏ lại trước cổng chùa rồi thành mấy trăm trẻ như hiện nay.
Cặp sinh đôi Sơn - Thủy cho biết, tại đây tụi nhỏ không thiếu cái ăn, quần áo, thuốc men. Chúng có tuổi thơ, được vui đùa bên chúng bạn và được nuôi ăn học đến hết lớp 12. Ai có khả năng vào đại học đều được ủng hộ nhiệt tình. 5 lớp tiểu học (từ lớp một đến lớp năm) được mở ngay tại chùa, do thầy cô có kinh nghiệm đứng lớp.
Nhưng, đằng sau sự đủ đầy của tụi nhỏ là nỗi lo lắng chất chồng của các thầy và đội ngũ làm công quả, thiện nguyện.
Chùa không có bất cứ nguồn thu nào ngoài sự hỗ trợ của phật tử, người dân, mạnh thường quân. Mỗi tháng, tiền học phí của tụi nhỏ hết hơn 14 triệu đồng, chưa kể khoản học thêm, dụng cụ học tập, sách vở, đồng phục...
Tiền bệnh viện, y tế, thuốc men... cũng hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Đám trẻ ở khu thần kinh được điều trị hàng ngày. Phải có thuốc chúng mới ngủ được. Nhờ có thuốc, chúng mới giảm phần nào đau đớn, khó chịu. Nhiều bé đang trải qua vật lý trị liệu.
Một em bé phải trị liệu nẹp tay để loại bỏ bệnh cắn tay.
Cô bé Cẩm Thu - bị bại não và tim bẩm sinh - phải nằm viện suốt mấy năm trời. Năm ngoái, em trải qua cuộc phẫu thuật hết hơn 50 triệu đồng. Tình trạng sức khỏe tuy không còn nguy hiểm, nhưng, em chỉ nằm một chỗ, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà.
Cảnh những đứa trẻ đau bệnh được chở đi viện ngay trong đêm khuya diễn ra như cơm bữa. Bên khu thần kinh, thân thể đau đớn khiến tụi nhỏ phát tiết bằng cách la hét, nôn trớ, giãy giụa. Bên khu trẻ lành lặn, đứa trẻ này sốt cao, ốm vặt có thể kéo theo nhiều đứa trẻ khác bệnh.
Nhiều hôm đám trẻ vì mệt nên quấy không ngừng, sư Chiếu phải kéo chiếc xe thùng, đặt 7-8 đứa trẻ lên đó và kéo ra công viên gần chùa. Thấy xích đu, cầu trượt, nhà banh... tụi nhỏ thích lắm. Chúng chơi đùa mà quên đi thân thể đang khó chịu.
Chiều nào cũng vậy, hết tốp này đến tốp khác được ngồi xe thùng ra công viên. Mọi người đều mơ ước, giá như tất cả tụi nhỏ có thể chơi cầu trượt, nhà banh ngay tại chùa.
Tấm lòng của phật tử, mạnh thường quân
Suốt 24 năm từ khi mái ấm tình thương ra đời, chùa nhận được sự hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần của hàng triệu tấm lòng hảo tâm.
Đó là con gà, mớ rau của bà Hai mang qua. Chị Năm tặng tụi nhỏ nước sâm lạnh. Cô Hảo đem đến vài bộ quần áo, đôi dép. Chú Chín tặng những quyển sách cũ. Bác Lành đến phụ nấu ăn. Cô Nga đút cơm cho mấy đứa nhỏ... Từ một người, hai người... đã lan tỏa đến hàng chục người.
Cô Cúc, cô Huệ, chị Yến, cô Thụy Khuê... vốn là phật tử, nhiều năm nay nguyện ở lại chùa làm công quả, chăm sóc lũ trẻ 24/24. 45 người đảm nhận nhiệm vụ nấu ăn, bảo mẫu. Mọi người đều thấy vui, hạnh phúc vì có thể đóng góp một phần nhỏ bé đem nụ cười đến những mảnh đời bất hạnh.
Không chỉ cưu mang trẻ mồ côi, chùa còn khám chữa bệnh xương khớp, trị liệu miễn phí cho người nghèo ba ngày một tuần (thứ 3, 5, 7). Hoạt động này nhận được sự giúp đỡ của hàng chục bác sĩ, y tá, điều dưỡng...
Không ít bác sĩ đến tận chùa lúc nửa đêm để khám, chữa bệnh vặt cho tụi nhỏ. Hàng tá thuốc men, dụng cụ y tế được phật tử khắp mọi miền đất nước gửi tặng.
Nhiều giáo viên, sinh viên tình nguyện giảng dạy không lấy tiền, truyền cho các em kiến thức và những bài học làm người.
Những hộ dân sống cạnh chùa luôn cảm thông, sẻ chia với các sư thầy và bảo mẫu. Họ chưa từng phàn nàn khi nhiều năm liên tiếp phải sống cùng tiếng đùa nghịch, tiếng thét thất thanh và khóc nấc trong đêm của trẻ. Không ít người tới phụ tắm rửa, quét chùa, bồng bế và truyền hơi ấm cho tụi nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp tặng chùa hàng trăm ghế đá để trẻ có chỗ ngồi học bài. Các em còn được hỗ trợ sữa, cháo dinh dưỡng, tã sơ sinh và quần áo mới cho đến khi trưởng thành.
Vô số mạnh thường quân trao những suất học bổng, khuyến khích các bé học tập và theo đuổi ước mơ. Các nhà hảo tâm giấu tên gửi tiền, hiện vật, góp thêm kinh phí để lo cái ăn, cái mặc cho mọi người.
Để giúp trẻ có tuổi thơ đầy ắp tiếng cười và thực hiện ước mơ xây dựng khu vui chơi cho tụi nhỏ ngay tại chùa, trung tâm nội thất Cozy (TP HCM) - một trong những mạnh thường quân, tài trợ thiết kế khu trò chơi với đầy đủ xích đu, cầu trượt, cưỡi ngựa, nhà banh... với thông điệp "Bring children a childhood". Đám nhỏ hào hứng hẳn, cười hồn nhiên khi hòa mình trong các trò chơi tuổi thơ.
"Chúng tôi mong các cháu có tuổi thơ hồn nhiên, nhiều tiếng cười. Hy vọng mái ấm Kỳ Quang được nhiều người biết tới, lan tỏa thông điệp yêu thương tới các mạnh thường quân. Hôm nay tụi trẻ có một khu vui chơi, biết đâu mai này có thêm trường học ngay tại chùa hay bể bơi, thư viện sách... Qua đó, tôi mong những nơi đang nuôi dạy, cưu mang trẻ mồ côi, khuyết tật khắp Việt Nam nếu cần khu vui chơi như thế này, hãy liên hệ, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Chúng tôi sẽ từng bước xây dựng khu vui chơi cho tất cả trại trẻ mồ côi trên toàn quốc", bà Trần Thúy Nga - Giám đốc điều hành trung tâm nội thất Cozy chia sẻ.
Không chỉ các mạnh thường quân trong nước, nhiều Việt kiều khắp thế giới tìm đến tận chùa Kỳ Quang để tìm hiểu cuộc sống của tụi nhỏ.
Chị Cathy - Việt kiều Pháp - vừa về đến Việt Nam đã vội vã cùng đoàn đi thăm từng phòng trẻ. Chị xúc động khi đám trẻ giơ tay đòi bế, như khát thèm hơi ấm của mẹ. Chị nói sẽ kêu gọi cộng đồng người Việt tại Pháp san sẻ yêu thương đến đám nhỏ.
Trong hàng nghìn, hàng triệu trái tim ấy, có không ít người được cho là cha mẹ ruột các em. Họ đem tới ít quà bánh, sách vở, đồ chơi... Có những cô gái chỉ mới 18, đôi mươi, gương mặt nhuốm muộn phiền và day dứt. Mắt họ dừng lại ở một vài đứa trẻ, quay lưng gạt nước mắt rồi vội vã rời đi vì sợ có người nhìn thấy.
Thi Quân
Ảnh: Thành Nguyễn